Biển Nha Trang là thiên đường của hải sản. Những món ăn của xứ biển ít nhiều phảng phất vị tanh ngái miền cát mà tùy theo cách chế biến của địa phương lại mang hương vị đặc trưng. Bánh căn, bánh xèo chảo hay bún sứa là những món không thể bỏ qua khi bạn đến thành phố biển Nha Trang.
Biển Nha Trang là thiên đường của hải sản. Những món ăn của xứ biển ít nhiều phảng phất vị tanh ngái miền cát mà tùy theo cách chế biến của địa phương lại mang hương vị đặc trưng. Bánh căn, bánh xèo chảo hay bún sứa là những món không thể bỏ qua khi bạn đến thành phố biển Nha Trang.
1. Bún cá dầm - Bún sứa
Đến Nha Trang sẽ thực sự là một thiếu sót nếu không thưởng thức bún cá hay bún sứa. Món ăn này thường sử dụng bún lá Ninh Hòa và nguyên liệu cá bò. Trong một tô bún, cá và sứa thường được bỏ chung, chả cá chiên là nguyên liệu không thể thiếu, có nơi còn cho lòng cá, trứng cá để tăng thêm độ ngọt và phong phú. Từng khoanh cá dày cộp bỏ da và xương, những lát sứa trong veo, dai dai hấp dẫn thực khách.
Bún ăn với rau sống và mắm tôm. Nước dùng của các món bún có điểm đặc trưng là không nấu bằng xương heo hay gà như thông thường mà nấu bằng chính xương đã lóc ra của cá, mùi vị khó lẫn vào đâu được. Đa số các món ở Nha Trang đều dùng với ớt xanh nguyên trái hoặc xay ra để át mùi tanh của cá, cộng với sa tế các loại. Nếu bạn không quen ăn cay thì đây sẽ là điểm nên lưu ý.
2. Bánh căn
Nam Trung Bộ là xứ sản sinh ra bánh căn. Tuy khởi nguồn từ Ninh Thuận, Bình Thuận nhưng bánh căn qua bàn tay chế biến của người Nha Trang, ngoài mùi vị đặc trưng của bột gạo còn mang hơi vị của sự phóng khoáng như tính cách người dân nơi đây. Bánh căn giống với bánh khọt của miền Nam nhưng khác giai đoạn khi cho vào khuôn bánh.
Nếu như bánh khọt người Nam “chiên” bột gạo với dầu ăn thì người Trung lại “nướng” bột gạo. Nhân bánh mới là điều làm nên bánh căn Nha Trang. Ngoài bánh căn thông thường với nhân trứng cút, trứng gà hay thịt bò, người Nha Trang còn cho thêm mực, hến và tôm hấp vào nhân làm thành bánh căn mực, hến hay bánh căn tôm. Hoặc bạn cũng có thể gọi bánh thập cẩm, muốn ăn nhân nào chỉ việc nói người bán làm cho. Bỏ thêm muỗng mỡ hành lên trên bánh, rắc chút vụn bánh mì chiên, gắp cọng rau, nhúm xoài, thứ hỗn hợp này hòa tan trong miệng giòn rụm, gói gọn đủ hết cả mùi, vị và sắc của món ăn.
3. Nem nướng
Đến Nha Trang là phải ăn nem Ninh Hòa. Người chưa biết ăn thì nghe tiếng thơm của món đặc sản địa phương nên muốn thử cho biết, còn người ăn rồi thì tìm đến ăn nữa cho đã thèm. Người dân địa phương có khi gọi nem nướng là nem cuốn bởi muốn ăn phải tự cuốn cho vừa ý, chấm với nước chấm sền sệt được chế biến theo cách riêng của người bản xứ.
Tương tự như gỏi cuốn, bò bía trong Nam, món nem nướng khi ăn phải cuốn chung với bánh tráng, ram dưa chua và rau các loại. Sở dĩ nem Ninh Hòa ngon có tiếng là vì nguyên liệu được lựa chọn và chế biến công phu theo cách riêng của vùng Ninh Hòa, để sao cho có hương vị đặc biệt không giống bất cứ loại nem nào ở nơi khác. Quả thật, nem ăn không ngấy vì không có dính chút mỡ nào, cộng với các thành phần phụ cùng rau dưa các loại hòa quyện đủ vị béo, chua, giòn, cay, no mà không ngán.
4. Bánh xèo chảo
Một biến tấu khác của bánh xèo miền Nam đó chính là bánh xèo có thêm hải sản của dân miền biển. Bánh xèo đúc bằng chảo nên được gọi là bánh xèo chảo, khác với các loại bánh xèo miền Trung thường đúc bằng khuôn đất như bánh khọt. Mật độ tìm thấy quán bánh xèo chảo không nhiều bằng bánh căn nhưng khách thăm quan đến Nha Trang ít nhất thường bỏ túi một địa điểm để đến thử.
Quán bánh xèo chảo mực nho nhỏ dưới chân Tháp Bà là nơi khách thăm quan thường rỉ tai nhau. Ngoài ra, nếu thích thì khách có thể xin thêm bánh tráng để cuốn bánh xèo, ăn kèm rau sống nữa thì rất tuyệt. Mỗi bánh có đường kính tầm 25 cm. Quán bánh xèo chảo quyến rũ Lữ khách bằng rổ mực tươi rói còn xanh màu nước biển, chế biến đến đâu bỏ mực đến đó. Bánh xèo được đổ với tôm hoặc mực tùy theo khẩu vị của khách. Bánh xèo Nha Trang khi chế biến cũng thường cho trứng cút hay trứng gà vào giữa bánh tương tự như bánh căn.
Xem Thêm Hành trình Nha Trang Hấp Dẫn